Trên thực tế hiện nay tại VN cũng như tại các nước trong khu vực và quốc tế, dịch vụ giao nhận và dịch vụ logistics cùng tồn tại và phát triển song hành. Người giao nhận (freight forwarder) và người cung cấp dịch vụ logistics (logistics service provider: LSP) đã có những hoạt động với các mục tiêu và phương pháp khác nhau.
Trong khi người giao nhận ngày càng hành xử vai trò là người vận tải (as carrier) không như trong vai trò là người được ủy quyền (đại lý) như những thập niên trước, thì người cung cấp dịch vụ logistics ngày nay hoàn toàn có thể tiến hành các hoạt động logistics tích hợp (integrated logistics) nhằm cung cấp cho khách hàng dịch vụ trọn gói mà chúng ta thường gọi là dịch vụ logistics 3PL.
Trên một bình diện khác thì việc phân biệt giữa người giao nhận và người vận tải khi cung cấp một dịch vụ vận tải cho khách hàng chỉ có ý nghĩa tương đối, ví dụ dựa vào phương thức kinh doanh có tài sản (asset) để ám chỉ người vận tải thực tế và không có tài sản (non-asset) để ám chỉ người giao nhận, hoặc tại một số nước còn gọi những người giao nhận như những nhà kinh doanh vận tải công cộng không có tàu (N.V.O.C.C). Trong khi đó thật dễ dàng phân biệt một người cung cấp dịch vụ vận tải với người cung cấp dịch vụ logistics ở chỗ người cung cấp dịch vụ logistics không chỉ đơn thuần là vận tải.
Và một khái niệm mới đã được FIATA (Liên Đoàn các Hiệp hội Giao nhận Quốc tế) đưa ra từ năm 2004: dịch vụ giao nhận và logistics (freight forwarding and logistics services) (2) như là một ngành nghề chung của Liên đoàn. Với cách hiểu này dịch vụ logistics và dịch vụ giao nhận cùng tồn tại và phát triển.
DỊCH VỤ LOGISTICS TẠI VN ĐÃ BƯỚC VÀO THỜI KỲ PHÁT TRIỂN
Tại VN, theo Luật Thương mại 2005, ngành dịch vụ logistics được hiểu bao gồm những hoạt động giao nhận vận tải, các dịch vụ kho bãi, xếp dỡ, các dịch vụ cảng, ICD, các dịch vụ khai hải quan và xuất nhập khẩu…
Trong thời kỳ đầu, đặc biệt từ khi có Luật Doanh nghiệp ra đời và thực hiện các cam kết hội nhập WTO, việc thành lập các DN dịch vụ logistics đã có những thuận lợi nhất định, thu hút được đầu tư nước ngoài tạo ra các động lực phát triển ngành nghề, phát triển nguồn nhân lực trong ngành. Đến thời điểm hiện nay diện mạo của ngành logistics VN không hề thua kém các nước trong khu vực, các DN dịch vụ logistics VN đã trưởng thành và cùng hợp tác, cạnh tranh với các đối tác nước ngoài; các DN chủ hàng VN đã bắt đầu tin cậy và giành quyền chủ động về việc sử dụng dịch vụ logistics đối với các DN cung ứng dịch vụ trong nước.
Nhận thức về logistics đã được chuyển biến từ các cấp quản lý Nhà nước, người thực hiện và cung cấp dịch vụ logistics, và kể cả người sử dụng dịch vụ: các thương nhân, các nhà sản xuất chế biến, xuất nhập khẩu. Khái niệm quản trị logistics, chuỗi cung ứng đã nhanh chóng đi vào cuộc sống DN cùng với các kiến thức quản trị khác. Đó là một thực tế rất đáng trân trọng!
Trước thềm mở cửa hội nhập WTO của ngành dịch vụ logistics (mà chậm nhất 2014 cho hầu hết các phân ngành dịch vụ logistics) hội nhập logistics khu vực ASEAN (2013) tuy còn có những băn khoăn về năng lực, về tính cạnh tranh,tuy vậy, theo phân tích của một số chuyên gia: cũng như một số ngành dịch vụ khác, các DN ngành dịch vụ logistics VN đã có bước trưởng thành đáng kể, tận dụng được các cơ hội, học hỏi thu hoạch được nhiều kinh nghiệm, đại bộ phận trụ vững qua nhiều thử thách, đặc biệt trong cuộc khủng hoảng suy giảm kinh tế toàn cầu hiện nay. Điều này đã được minh chứng qua chỉ số LPI (năng lực thực hiện logistics) của VN mà Ngân hàng Thế giới (WB) đã điều tra và công bố trong thời gian gần đây, cũng như tốc độ phát triển kim ngạch xuất nhập khẩu VN qua từng năm.
Như vậy đi lên từ giao nhận vận tải, ngành dịch vụ logistics có bước đi không quá chậm so với các nước trong khu vực cũng như so với lịch sử phát triển giao nhận - logistics ngay tại các nước phát triển!
CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN NGÀNH LOGISTICS VN
Trách nhiệm với sự phát triển hệ thống logistics VN (ngành logistics VN), cũng như ngành dịch vụ logistics VN không chỉ là trách nhiệm của Hiệp hội VLA mà còn có cả trách nhiệm của Nhà nước, các ngành, hiệp hội có liên quan, các DN cung cấp dịch vụ logistics cũng như kể cả các DN khách hàng sử dụng dịch vụ logistics.
Riêng đối với Hiệp hội cần tạo ra bước ngoặc mới có ý nghĩa quan trọng, có thể xem dưới đây như là các gợi ý về chương trình hành động của Hiệp hội trong thời gian tới:
1. Tăng cường hơn nữa nhận thức, kiến thức về logistics trong đội ngũ nhân lực các DN cung cấp dịch vụ giao nhận, logistics thông qua công tác truyền thông, đào tạo, huấn luyện… để thấy được vai trò to lớn của người cung cấp dịch vụ logistics vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước, phát triển DN.
2. Tạo sự kết nối chặt chẽ giữa các DN cung ứng giao nhận vận tải, dịch vụ logistics nhằm tạo ra sự hợp tác, hình thành các chuỗi dịch vụ logistics tích hợp:
- Đầu tư công nghệ, cơ sở vật chất đảm bảo cung cấp dịch vụ logistics có chất lượng và tính cạnh tranh cao.
- Phát triển dịch vụ logistics 3PL, 4PL và sẵn sàng đáp ứng xu hướng thuê ngoài logistics (outsourcing logistics) của các chủ hàng.
3. Làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối với Nhà nước, đề xuất kịp thời các chính sách phát triển và minh bạch thị trường dịch vụ logistics, tạo ra các hổ trợ cần thiết để DN dịch vụ logistics nâng cao năng lực cạnh tranh và tính chuyên nghiệp.
4. Thông qua hội nhập khu vực, quốc tế, tranh thủ các kỹ năng nghề nghiệp, thực hành tốt nhất, sẵn sàng giao lưu hợp tác với các DN logistics có mạng lưới chuyên nghiệp toàn cầu.
5. Hình thành một liên minh các hiệp hội trong ngành logistics (như hiệp hội chủ tàu, chủ hàng, cảng biển, đại lý môi giới…) tiến tới hình thành hiệp hội logistics quốc gia (3).
Hai mươi năm cho con đường phát triển giao nhận đến logistics tuy khá chậm nhưng có nhiều tiền đề để Hiệp hội VLA bước qua thời kỳ “non trẻ” để xác lập cho mình là những người tiền phong đi vào thời kỳ phát triển ngành logistics VN.
Theo VLR
Bình luận